“Đền miếu” là cách gọi chung cho các kiến
trúc dùng để thờ cúng, thực hành các tín ngưỡng. Tín ngưỡng thờ thần
trong các ngôi làng của người Việt đã xuất hiện ngay từ khi làng được
hình thành. Do đó các kiến trúc đền miều cũng đã có từ khi đó.
Tùy theo từng vùng miền, từng đối tượng
thờ cúng mà các công trình thờ phụng ở làng mang những tên gọi khác nhau
như đền, miếu, mạo, nghè, từ, quán, chùa, am, phủ, điện… Tất cả đều có
công năng chung là nơi để phụng sự, thờ cúng các vị thánh, thần và là
nơi thực hành các tín ngưỡng của người dân hoặc của các vị tu hành. Đây
là điểm dựa tâm linh quan trọng đối với cộng đồng người dân trong thôn
làng. Tục thờ thần thánh thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đạo thờ tổ
tiên, một nét đặc trưng văn hóa của người Việt.

Cự thạch, đàn tế cổ ở Đại Đình, Tam Đảo.
Ban đầu người Việt thực hành việc thờ
cúng dưới dạng các bệ thờ lộ thiên được xếp bằng đá hoặc xây dựng. Những
bệ thờ cổ nhất còn lưu lại tới ngày nay dưới dạng các di chỉ cự thạch,
gặp ở một số vùng miền núi ở Vĩnh Phúc, Cao Bằng,… Dần dần sau này từ
các bệ thờ phát triển thành các loại hình kiến trúc có mái, khép kín
khác nhau. Các đàn tế mà nay còn được sử dụng không còn nhiều, chủ yếu ở
những nơi có tục thờ Trời (đàn Nam Giao), thờ Thần Nông (đàn Tịch Điền,
đàn Xã Tắc) vì theo quan niệm việc thờ cúng này phải thực hiện ở ngoài
trời.
Sau các bệ thờ là những am, miếu nhỏ.
Những am bệ này thường được lập để tạm thời thờ cúng, trước khi xây
thành miếu điện, như trường hợp thờ gốc cây, thờ đá, thờ người chết bất
đắc kỳ tử,… Am cũng là từ để chỉ một kiến trúc nhỏ dành cho người tu
hành chuyên tâm.

Đền Nhà Bà ở Phù Ninh, Phú Thọ.
Ở miền Bắc xưa kia hầu như làng nào cũng
có một ngôi miếu chính để thờ cúng vị thần bảo hộ của làng. Nhưng cũng
không hiếm trường hợp làng có nhiều ngôi miếu, thờ các vị thần khác
nhau. Nhiều trường hợp đây cũng là các vị thành hoàng của làng, là những
người lúc sống có công với làng xã, hoặc khi mất từng hiển linh phù trợ
quốc gia, được các triều đại phong kiến công nhận qua các sắc phong.
Thông thường nếu đình làng là chốn “công
đường”, nơi khấn cáo, tế lễ thành hoàng làng, thì đền, miếu hay nghè của
làng là nơi an nghỉ, lưu giữ các di vật, sắc phong của thành hoàng.
Cũng như đình làng, các đền miếu của làng thường do làng quản lý, cử ra
một người thủ từ để trông nom hương khói. Nhưng việc cúng tế, tổ chức tế
lễ vẫn do ban khánh tiết chung của làng thực hiện.

Nghè Gia Lâm, Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội.
Một loại hình miếu thờ quan trọng rất phổ
biến đối với các địa phương có truyền thống khoa bảng là Văn từ của
làng. Văn từ, Văn chỉ (Từ chỉ, Từ vũ) là nơi thờ Khổng Tử, các bậc Tiên
hiền và các nhà khoa bảng, vinh hiển của địa phương. Một số nơi trong
Văn chỉ, Văn miếu có thờ cả Sĩ Nhiếp như vị thánh tổ Nho học nước Nam
(Nam Giao học tổ). Mục đích của Văn chỉ là để cổ vũ, dẫn dụ đạo học của
quê hương.
Thời phong kiến, một số làng có Quán, là
nơi thờ tự của Đạo giáo và nơi tu hành của các đạo sĩ, do Đạo quản lý.
Các đạo quán thường được lập ở những nơi được cho là có tính phong thủy
tốt, các huyệt mạch quan trọng của thế đất. Cũng có nhiều trường hợp
“quán” cũng là nơi thờ cúng các vị thần, thậm chí cả thành hoàng làng,
và điều này thường chứng tỏ vị thần được thờ từng là một đạo sĩ hay có
liên quan tới Lão giáo.

Cổng Lâm Dương quán, nay là chùa Đa Sĩ.
Một điểm thờ tự mà trước kia hầu hết các
làng quê Bắc Bộ đều có là ngôi chùa làng. Chùa là nơi phụng thờ Phật và
nơi tu hành của các vị sư, sãi và do sư quản lý. Các chùa ở miền Bắc
thường thờ theo hình thức Đại thừa, thờ đức Phật Thích Ca, Tam Thế phật
cùng các chư Phật khác. Chùa gắn bó thân thiết trong đời sống tâm linh
của dân làng. Chùa là nơi dân làng lễ bái, tu thân, trau dồi đức hạnh,
để phúc đức lại cho con cháu. Tuy nhiên, chùa làng thường lại không do
làng quản lý mà do sư sãi của Phật giáo quyết định.
Trên thực tế nguồn gốc các ngôi chùa hiện
nay khá phức tạp. Ở nhiều nơi các đạo quán của Lão giáo trước đây nay
đã bị cải thành nơi thờ Phật, và được gọi là chùa. Điển hình như Hưng
Thánh quán ở Thường Tín được gọi là chùa Mui, Lâm Dương quán là chùa Đa
Sĩ (Hà Đông), chùa Thiên Tôn ở Ninh Bình,… Những nơi này tên gọi và hệ
thống tượng thờ phần lớn đã thay đổi, chỉ duy còn giữ được bộ tượng Tam
Thanh, đặc trưng của điện thờ Đạo giáo.

Chùa Pháp Vũ ở Ân Thi, Hưng Yên.
Phổ biến hơn nữa, chùa được nói đến khi
có liên quan tới các nhân vật của Bà La Môn giáo đã được Việt hóa sâu
sắc. Điển hình là tục thờ Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp
Điện) rất phổ biến ở các chùa của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội. Tứ
pháp hay bốn vị Bà (Dâu, Dàn, Tướng, Đậu) thực chất là Tứ đại Thiên
vương trong Bà La Môn giáo đã du nhập vào nước ta từ thời kỳ rất sớm.
Cũng ở các vùng này còn có các đền thờ Đế Thích, cũng được gọi thành
chùa (Đế Thích tự như ở vùng Hưng Yên hay chùa Vua ở Hà Nội).
Nhiều chùa còn kiêm luôn là đền thờ, với
bố cục “tiền Phật hậu Thánh”, có khi là “tiền Thánh hậu Phật”. Đây là
các trường hợp thờ các vị thánh tổ thiền sư như Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh
Không, Giác Hải như chùa Láng, chùa Thầy, chùa Keo,… Còn nữa, chùa
Hương Tích thờ bà chúa Ba Diệu Thiện thời Hùng Vương dưới ngôi Nam Hải
Quan Âm của đạo Phật.

Bệ đá thời Lý đỡ tượng Từ Đạo Hạnh ở chùa Thầy.
Các loại hình Phủ, hay quy mô nhỏ hơn là
Điện, là nơi thờ Mẫu hay các vị thần trong Tam tứ phủ. Đây cũng là nơi
thực hành tín ngưỡng thông qua hoạt động hát chầu văn và lên đồng. Ngày
nay, các điện thờ Mẫu thường được dựng bên trong khuôn viên của chùa,
hình thành tổ hợp “tiền Phật hậu Mẫu”.

Đền Đỗng Hoa, đàn thiện ở Thạch Thất.
Ở một số địa phương ở miền Bắc còn có
loại hình “thiện đàn”, nhiều chỗ gọi là đền thờ Tam giáo. Đây từng là
nơi hoạt động của phong trào Đông kinh nghĩa thục, là nơi tổ chức các
buổi cầu cơ giáng bút, nhằm phổ biến lòng yêu nước, thương nòi trong
nhân dân. Thần điện của các thiện đàn rất phong phú, tập hợp nhiều vị
thần mang tính truyền thống dân gian như Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tản Viên
Sơn Thánh, Thái Thượng Lão Quân, Khổng Tử, Đức Thánh Trần, Mẫu Liễu
Hạnh, Quan Thánh Đế Quân… Quan niệm của những nhân sĩ trong phong trào
thiện đàn là gìn giữ được tín ngưỡng thờ thánh thần là gìn giữ được hồn
cốt của dân tộc, giúp nhân dân ta có tâm thức vượt qua đêm dài nô lệ
dưới gót giặc ngoại xâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét